Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Luật Đặc khu sẽ là luật chung?

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu).

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay 10-4, tại Nhà Quốc hội. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đáng lưu ý, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu).

Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2020 gồm 14 dự án.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9, chương trình thông qua có 8 dự án, gồm 4 dự án được gối từ Chương trình năm 2019. Có 4 dự án mới được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 10, Chương trình thông qua gồm 5 dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Đối với Chương trình năm 2019, ngoài 3 dự án luật đã được UBTVQH quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019 theo Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án, dự thảo.

Trong đó, đề nghị rút ra khỏi Chương trình 2 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Liên quan đến các dự án luật đã được rút ra khỏi chương trình các năm trước đây (từ 2016 – 2018), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự án Luật về Hội đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Luật Biểu tình đang được Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Luật Quản lý phát triển đô thị, trước mắt, Chính phủ chưa đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, 2020 mà sẽ tiếp tục phân tích, tiếp thu, giải trình một cách cụ thể, kỹ lưỡng, hoàn thiện dự thảo Luật và đề xuất đưa vào Chương trình sau năm 2020.

Tương tự, Luật Dân số sẽ được lùi đến một thời điểm thích hợp.

Đáng lưu ý, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu). Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội sốt ruột về việc chậm trình sửa đổi Bộ luật Lao động

Tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ: “Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không?!”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp lần thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10-4-2019. Ảnh: quochoi
Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị xem xét sửa đổi cả Luật Công đoàn để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

“Tôi rất quan tâm tới Bộ luật này, việc thông qua sửa đổi, bổ sung Bộ luật ảnh hưởng đến uy tín quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra gấp rút hoàn thiện hồ sơ dự án, trình UBTVQH cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào cuối kỳ họp tháng 5 tới đây.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi Luật Đất đai 2013 là cần thiết, nhưng cần có mốc thời gian cụ thể và không chậm hơn năm 2020. Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Đất đai 2013, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi để khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý đất đai, bảo đảm sự thống nhất của các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.

Bà cũng đồng tình với nhận định mà Ủy ban Pháp luật đã nêu, theo đó, mặc dù công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều đổi mới, tính phản biện trong xây dựng pháp luật ngày càng được tăng cường, song nhìn chung tính dự báo của Chương trình xây dựng pháp luật vẫn chưa cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ. Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào chương trình còn khá phổ biến.

Nhiều bất hợp lý trong quy định về điều kiện kinh doanh bảo hiểm 

Về sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Dự thảo Luật bổ sung Điều 94b, quy định điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là: Đảm bảo tài chính trong việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bằng một trong các hình thức: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo lãnh thanh toán ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh, ký quỹ, vốn chủ sở hữu (điều kiện về vốn của chủ sở hữu chỉ áp dụng với tổ chức).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm 

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định này có những điểm chưa phù hợp với tính chất là điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Thứ nhất, các hình thức đảm bảo tài chính trên đây còn chung chung, chưa có tính định lượng để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động của chủ thể kinh doanh. Thứ hai, các hình thức đảm bảo tài chính này chưa có sự phân định rạch ròi giữa 3 yếu tố: điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; biện pháp bảo đảm của hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, ngoài điều kiện về vốn chủ sở hữu luôn gắn với điều kiện kinh doanh của tổ chức, các điều kiện còn lại cũng được quy định chung chung dẫn đến cách hiểu khác nhau và không phải khi nào cũng gắn với điều kiện kinh doanh của chủ thể kinh doanh.  

ANH PHƯƠNG

Sưu tầm và biên soạn by MKREAL